NGUYÊN TẮC THAY BĂNG VẾT THƯƠNG
Đảm bảo vô trùng tuyệt đối trong thao tác kỹ thuật.
- Áp dụng 1 mâm thay băng vô trùng cho 1 bệnh nhân.
- Rửa vết thương theo chiều từ trên - xuống, trong - ngoài và rộng xung quanh vết thương 5cm.
- Thứ tự rửa: vết thương vô trùng => vết thương sạch => vết thương nhiễm.
- Che chở vết thương bằng gạc vô trùng, đảm bảo che kín rộng 5cm vùng ngoài vết thương. Dùng băng keo hoặc urgoderm dán sao cho không bung.
- Nếu vùng xung quanh vết thương có lông hoặc tóc, cần cạo làm sạch.
- Thuốc giảm đau cần dùng trước ít nhất 20p trước khi thay băng. Áp dụng trên bệnh nhân có vết thương lớn, sâu, bệnh nhân bỏng, người già, trẻ em.
- Đối với vết thương hoặc vết mổ đặc biệt (như ghép da) trước khi thay băng cần hỏi kỹ chỉ định của bác sĩ.
- Cấy tìm vi trùng dịch vết thương cần lấy bớt dịch bằng gòn viên vô trùng, sau đó dùng que gòn trong cây cấy dịch quẹt lấy mẫu ở đáy hoặc cạnh vết thương. Đảm bảo không chạm đầu que cấy vào miệng ống mẫu hoặc bất kỳ vật nào nhằm đảm bảo chất lượng mẫu.
- Đảm bảo thời gian bộc lộ vết thương khi chăm sóc càng ngắn càng tốt.
KHÔNG RẮC BỘT KHÁNG SINH LÊN VẾT THƯƠNG HỞ
Rắc bột kháng sinh lên các vết thương hở (bỏng, trầy xước, rách da, vết thương nhiễm trùng,...) là cách xử trí khá phổ biến trong cộng đồng
Thuốc sử dụng để rắc lên vết thương hay gặp nhất là viên chống lao màu đỏ Rifampicin, kế tới là một số kháng sinh khác như Clocid (Chloramphenicol)...Mọi người nghĩ rằng làm như vậy sẽ phát huy tốt tác dụng phòng chống nhiễm khuẩn tốt bởi vì thuốc được đưa trực tiếp tới vết thương. Tuy nhiên trong thực tế, việc rắc bột kháng sinh lên vết thương hở là lợi bất cập hại, không những không có ý nghĩa điều trị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
1. Rắc bột kháng sinh lên vết thương hở dễ gây dị ứng, sốc phản vệ
Rắc bột kháng sinh trực tiếp vào vết thương hở làm kích thích da, kích thích các phản ứng viêm tại chỗ nên dễ gây dị ứng và sốc phản vệ. Dị ứng kháng sinh thường nguy hiểm, thậm chí gây tử vong nhanh chóng.
2. Không có tác dụng phòng, chống nhiễm khuẩn
Sau khi rắc một vài giờ, bột thuốc kháng sinh sẽ khô lại, nồng độ kháng sinh thấm vào các mô bị tổn thương là không đáng kể và không có ý nghĩa phòng, chống nhiễm khuẩn. Nhiều trường hợp sau vài ngày rắc bột kháng sinh liền bị sưng tấy, gây sốt. Sau khi lột lớp bột kháng sinh đã khô ở bên ngoài ra thì bên trong toàn mủ và mô hoại tử.
3. Làm vết thương lâu khỏi, chậm lên da non
Bột kháng sinh sau khi rắc sẽ làm thành lớp vỏ khô bao phủ bên ngoài, tạo thành hàng rào vật lý cản trở sự thâm nhập của các yếu tố bảo vệ cơ thể đi tới vết thương. Máu, kháng thể, bạch cầu, kháng sinh đường uống,...bị cản trở nên khả năng bảo vệ cơ thể khỏi viêm, nhiễm trùng bị hạn chế. Do đó vết thương sẽ chậm lành, thậm chí diễn biến nặng hơn.
Bên cạnh đó, lớp vỏ bột kháng sinh còn hạn chế sự lên mô hạt và kéo da non tại vị trí tổn thương. Do đó việc rắc bột kháng sinh lên vết thương hở còn làm vết thương chậm lên da non.
Trên đây là 3 nguy cơ chính khi rắc bột kháng sinh lên vết thương hở. Như vậy, việc rắc bột kháng sinh lên vết thương hở không có ý nghĩa
Nguồn: Sưu tầm