PHÂN LOẠI RÁC TẠI NGUỒN LÀ GÌ?
TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC PHÂN LOẠI RÁC TẠI NGUỒN?
Trước thực trạng rác thải sinh hoạt tồn đọng nhiều tài các tỉnh thành, công tác thu gom và xử lý rác thải đang gặp rất nhiều khó khăn một phần do việc phân loại rác tại nguồn lâu nay chưa được quan tâm đúng mức. Vừa qua Chính Phủ đã thông qua sửa đổi quy định của Luật Bảo vệ môi trường theo đó: Người dân có thể bị phạt hoặc từ chối thu gom rác sinh hoạt nếu không phân loại rác tại nguồn. Vậy phân loại rác tại nguồn là gì? Vì sao phải phân loại rác?
Phân loại rác tại nguồn là gì? ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn
Phân loại rác tại nguồn là việc làm nhằm phân loại, tách biệt rác thải theo từng loại rác ngay tại địa điểm phát sinh rác. Phân loại rác có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý rác thải và bảo vệ môi trường, giảm thiểu nguy cơ phát tán các mầm bệnh, các yếu tố độc hại gây nguy hiểm hiểm đến sức khỏe con người.
Bảng hướng dẫn phân loại rác sinh hoạt
Tại mỗi hộ dân rác thải sinh hoạt được chia thành 3 loại chính
- Rác thải hữu cơ: Bao gồm các loại rác thải dễ phân hủy, nhanh bị thối rữa gây mùi hôi thối trong điều kiện tự nhiên như: thức ăn dư thừa, vỏ trái cây, thức ăn hỏng…
- Rác thải vô cơ: Là những loại rác thải không có khả năng tái chế hoặc sử dụng lại như: đầu thuốc lá, quần áo cũ, cành cây, túi ni lông, đồ chơi…
- Rác thải tái chế: Là loại rác thải có thể sử dụng lại nhiều lần hoặc có thể đem đi tái chế như: giấy báo, thùng carton, nhựa, lon nước…
Vì sao phải phân loại rác tại nguồn?
Phân loại rác tại nguồn đem lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế có thể sử dụng hoặc bán cho các đơn vị tái chế và phân hữu cơ tự chế giúp tiết kiệm một phần chi phí
Việc phân loại rác sẽ giảm thiểu tối đa lượng rác xả ra môi trường. Giảm áp lực cho các cơ quan, đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải. Tiết kiệm ngân sách cho nhà nước
Phân loại rác tại nguồn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong vai trò giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Các chỉ dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Các phương pháp xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn
Phương pháp chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh
Đây là phương pháp truyền thống, đơn giản và được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Rác trước khi được chôn lấp sẽ được nén để giảm thể tích sau đó sẽ được chôn lấp theo từng lớp. Sau mỗi lớp rác sẽ có một lớp đất trung gian để ngăn chặn mùi hôi thối và côn trùng xâm nhập
Mô hình chôn lấp rác thải rắn sinh hoạt
Bãi chôn lấp rác thải tập trung cũng phải đảm bảo theo quy định của nhà nước theo các hạng mục như: hệ thống thu nước rỉ rác, hệ thống thu khí, xử lý nước rỉ rác,nhà điều hành, hệ thống đường giao thông, cây xanh cách ly…
Thiêu đốt rác thải
Tại các nước phát triển phương pháp thiêu đốt rác thải ở nhiệt độ cao biến rác thải thành những nhiên liệu có ích đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực.
Nhà máy đốt rác hiện đại tốn nhiều chi phí đầu tư
Tại Việt Nam, phương pháp dùng nhiệt độ cao để thiêu đốt rác thải thành khí và tro cũng được nhiều tỉnh thành triển khai. Ưu điểm của phương pháp này là giảm tối đa thể tích rác còn lại sau khi thiêu đốt. Tuy nhiên, phương pháp này phải áp dụng nhiều công nghệ khoa học tiên tiến và chi phí đầu tư, chi phí xử lý cũng khá cao nên không hẳn địa phương nào cũng có thể áp dụng
Chế biến rác thải thành phân bón hữu cơ
Với rác hữu cơ sau khi được phân loại tại nguồn sẽ được mang đi xử lý và chế biến thành phân bón compost dùng trong nông nghiệp.
Quy mô hộ gia đình: Phổ biến tại các vùng nông thôn. Rác thải hữu cơ được phân loại mang ra góc vườn và ủ thành phân phục vụ cho nông nghiệp
Với quy mô tập trung: Sau khi phân loại rác thì rác hữu cơ dễ phân hủy sẽ được tách nghiền, ủ hiếu khí để tạo ra phân vi sinh. Về cơ bản phương pháp này khá vệ sinh và mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên chi phí đầu tư máy móc và vận hành cũng khá cao.
Tóm lại, để việc phân loại rác tại nguồn trở thành thói quen thường xuyên và phát huy hết được tác dụng thì điều quan trọng vẫn là nâng cao ý thức của người dân, để người dân phải xem đó là trách nhiệm, quyền lợi của họ mà tự giác thực hiện.
Nguồn: Sưu tầm