Dấu hiệu nhận biết trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng
Vi chất dinh dưỡng tham gia hầu hết trong quá trình trao đổi chất của cơ thể. Do đó, việc thiếu vi chất dinh dưỡng là nguyên nhân hàng đầu gây ra còi xương, thiếu máu, suy dinh dưỡng… và nhiều bệnh lý khác.
Vi chất dinh dưỡng bao gồm 2 nhóm: Nhóm vitamin (A, B, C, D, E…) và Nhóm các nguyên tố khoáng (Canxi, Phospho, Sắt, Kẽm, I-ốt…). Đây là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng nhỏ, nhưng có vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng, phát triển trí tuệ, duy trì và nâng cao sức khoẻ, phòng chống bệnh tật, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Vì vậy, nhận biết thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ là vô cùng quan trọng.
Vì sao trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng?
Nhiều cha mẹ lầm tưởng chỉ những trẻ biếng ăn, thấp còi mới có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng. Thực tế cho thấy, bất kỳ trẻ nào cũng có tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt vi chất, ngay cả những trẻ mũm mĩm hay thừa cân, béo phì.
Trẻ nhỏ rất dễ bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
+ Trong quá trình mang thai, chế độ dinh dưỡng của mẹ không được đảm bảo.
+ Trẻ sinh thiếu tháng hoặc nhẹ cân.
+ Trẻ tăng trưởng nhanh sau khi sinh.
+ Chế độ dinh dưỡng của trẻ không đa dạng các nhóm chất.
+ Trẻ thường xuyên mắc các bệnh lý đường tiêu hóa, dẫn đến kém hấp thu các chất dinh dưỡng
Biểu hiện khi trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng
+ Chậm tăng cân, chậm phát triển chiều cao, chậm mọc răng.
+ Hay quấy khóc, khó ngủ, hay giật mình và đổ mồ hôi trộm.
+ Chán ăn, biếng ăn, ăn không ngon miệng.
+ Thường xuyên bị tiêu chảy, viêm mũi họng,..
+Da xanh nhợt nhạt, rụng tóc, móng tay dễ gãy.
Trẻ thiếu vi chất thường dễ nhận biết qua thói quen ăn uống sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, để biết chính xác trẻ đang thiếu chất gì và cần bổ sung như thế nào thì cha mẹ nên chủ động đưa trẻ đến thăm khám tại cơ sở y tế uy tín.
Nếu trẻ bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao là câu hỏi của nhiều bậc cha mẹ. Trên thực tế nhu cầu về chất dinh dưỡng của cơ thể trẻ không nhiều. Nhưng vi chất dinh dưỡng lại cực kỳ quan trọng.
Việc bổ sung không đúng, không đủ đa vi chất có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như:
- Thiếu canxi và vitamin D: Dẫn đến trẻ chậm phát triển chiều cao, còi xương, răng mọc chậm, chậm biết đi.
- Thiếu sắt: Gây thiếu máu và các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, các bệnh nhiễm khuẩn cho trẻ.
- Thiếu vitamin A: Trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, đường hô hấp, khô giác mạc, mù lòa...
- Thiếu I-ốt: Trẻ thiếu i-ốt sẽ chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, thiểu năng. Dễ mắc bệnh về tuyến giáp.
- Thiếu kẽm: Làm trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng. Hay mắc bệnh nhiễm trùng, suy dinh dưỡng, chậm phát triển chiều cao.
Trong các vi chất trên, vitamin D, sắt, i-ốt, kẽm là những vitamin và khoáng chất mà trẻ rất dễ bị thiếu. Ngay cả trẻ không bị suy dinh dưỡng vẫn có thể thiếu do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý. Vì thế, việc cha mẹ cho trẻ đi kiểm tra vi chất là hết sức quan trọng, điều này sẽ giúp phát hiện sớm để bổ sung các dưỡng chất thiếu hụt cho trẻ.
Cách dễ dàng nhất để kiểm tra hàm lượng các vi chất và mức độ thiếu hụt trong cơ thể trẻ là thông qua các xét nghiệm máu. Các xét nghiệm này có thể áp dụng với các loại vi chất như: Sắt, kali, calci, kẽm… Nếu nghi ngờ trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng thì có thể cho trẻ đến bệnh viện để làm xét nghiệm thiếu vi chất dinh dưỡng.
Việc xét nghiệm thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ được tiến hành với các bước cơ bản:
+ Tổng phân tích máu để chẩn đoán thiếu máu ở trẻ em.
+ Phân tích sắt huyết thanh và ferritin nhằm chẩn đoán thiếu sắt.
+ Phân tích kẽm, magie... để chẩn đoán thiếu vi chất kẽm, magie.
+ Xét nghiệm canxi và canxi ion máu: Phát hiện tình trạng thiếu vi chất canxi ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.
Bên cạnh xét nghiệm thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ, để giúp trẻ đảm bảo tình trạng sức khỏe, các mẹ nên cho trẻ khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để giúp sớm phát hiện các bệnh tiềm ẩn cũng như có phương pháp điều trị kịp thời.
Tóm lại: Vi chất dinh dưỡng rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ. Mặc dù nhu cầu cơ thể trẻ chỉ cần một lượng rất nhỏ, nhưng khi thiếu lại dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Để phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ chủ động và an toàn nhất là thông qua nguồn thực phẩm để bổ sung vitamin, các khoáng chất trong từng bữa ăn. Vì vậy, cha mẹ cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm thuộc 4 nhóm chất: Bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin – khoáng chất cho trẻ trong mỗi bữa ăn. Nên thường xuyên thay đổi thực đơn từ khi trẻ mới bắt đầu ăn dặm.
Ngoài ra, khuyến khích trẻ vận động đúng cách cũng là một giải pháp hỗ trợ giúp tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất hiệu quả.
Nguồn: Bộ y tế