KỸ NĂNG ĐƠN GIẢN PHÒNG CHỐNG ĐUỐI NƯỚC CHO TRẺ
SKĐS - Chỉ cần vài động tác tập luyện đơn giản, phụ huynh có thể giúp trẻ ứng phó với các tai nạn đuối nước, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Học bơi và chống đuối nước, những kiến thức không chỉ dành cho VĐV
Lợi dụng lực đẩy của nước để thoát hiểm
Theo TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc một Trung tâm dạy bơi lội, trẻ cần được học rằng đuối nước là rất nguy hiểm vì nó có thể xảy ra thầm lặng ở ngoài ngõ (biển, sông, ngòi, ao, hồ, đầm phá…) và ngay ở trong nhà (bể cá, chum vại, chậu, xô, máy giặt, bồn tắm có nước...). Muốn không bị đuối nước thì phải hiểu lực đẩy nổi của nước để bình tĩnh thoát hiểm.
Sự vùng vẫy hoảng loạn của người không biết bơi khi rơi xuống nước là do người đó không biết cách thở trong môi trường nước và không biết lợi dụng lực đẩy nổi của nước để thoát hiểm. Thở trong môi trường nước khác với thở khi ở trên cạn và ai cũng có thể tập thành thạo kỹ năng này chỉ với một chậu nước.
Trẻ em cần được trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước. Ảnh minh họa.
Do lực đẩy nổi của nước và sức hút Trái đất, khi ta muốn vươn lên thì nước kéo ta xuống, khi ta muốn lặn xuống thì nước đẩy ta lên. Đấy là lý do, tại sao người bị đuối nước cứ vùng vẫy nhấp nhô lên xuống xung quanh mặt nước cho tới khi uống no nước, chìm xuống. Nếu biết thở, biết lợi dụng lực đẩy nổi của nước thì đuối nước đã không xảy ra.
Anh Nguyễn Thành Nam, cựu vận động viên đội tuyển bơi quốc gia, người sáng lập nhóm "Bơi và Những người bạn" cho rằng, người lớn hay trẻ em đều cần phải học các kỹ năng an toàn dưới nước. Khi gặp sự cố, điều quan trọng nhất là phải bình tĩnh để biết cách xử lý tình huống. Sự bình tĩnh này không tự nhiên có được mà cần trau dồi qua các buổi tập bơi, tập kỹ năng an toàn dưới nước.
"Người chưa biết bơi thì cần học. Người đã biết bơi vẫn phải thường xuyên tập luyện để trau dồi kỹ thuật và kỹ năng. Kinh nghiệm phải được đúc kết trên thực tiễn nên tốt nhất vẫn là phải tiếp xúc nhiều với nước", anh Nguyễn Thành Nam chia sẻ.
Theo TS Phạm Anh Tuấn, trường hợp chẳng may xảy chân xuống nước hoặc ở trong tình huống khó kiểm soát thì hãy làm theo các bước:
Bước 1: Bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, trở thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên.
Bước 2: Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.
3: Dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn.
Bước 4: Khi chuyển động lên xuống, tới trước hãy nhớ trên mặt nước, há miệng to thở vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi hoặc miệng.
TS Phạm Anh Tuấn cho biết, bằng phương pháp này, người không biết bơi có thể ở dưới nước trong khoảng thời gian khá dài để chờ người đến cứu hoặc để nước đẩy vào chỗ nông hơn. Trẻ em mầm non có thể học phương pháp bơi này và thực hành ngay trên cạn.
Tự tập bơi tại nhà
TS Phạm Anh Tuấn Khuyên, hãy cho trẻ lặn thụt đầu vào nước và bật nhảy thoát hiểm trong phi nước 200 - 250 lít, hoặc trong bể bơi mini plastic sâu tầm 60-70 cm. Sau lặn là học thả nổi sấp. Những bài tập này giúp hình thành kỹ năng bơi lội và giúp trẻ biết về nước rõ hơn. Chú ý, trẻ chỉ được lặn/nổi kiểu này với sự giám sát của người lớn.
Thoát đuối, thoát hiểm dễ học vì thân người chỉ nhấp nhô lên xuống thẳng đứng hay xiên xiên với mặt nước nhờ lực quạt tay, lực đẩy nổi của nước và trọng lực, trong khi bơi ếch, bơi trườn sấp, thân người nằm ngang, song song với mặt nước. Có thể học mọi lúc, mọi nơi với các vật dụng, thiết bị dễ kiếm (chậu, thùng phi, bể bơi mini, bể tự tạo, bể plastic…) nên rất thích hợp để phòng chống đuối nước cho trẻ em và người lớn.
Để phòng chống đuối nước cho trẻ em, theo anh Lương Ngọc Duy (cựu vận động viên đội tuyển bơi quốc gia), bản thân các phụ huynh phải luôn trau dồi kiến thức an toàn dưới nước, biết bơi, biết ngụp lặn. Phụ huynh nên tham gia các khóa huấn luyện về an toàn dưới nước, xử lý tình huống khi có nạn nhân bị đuối nước, từ đó mới dạy được cho con mình.
Nguồn: Sưu tầm